Nếu nhà mạng chia sẻ trạm phát sóng 4G dùng chung thì có thể giúp Việt Nam tiết kiệm ngân sách tối thiểu 16 nghìn tỷ đồng và, quan trọng hơn, giúp giảm hơn 1.1 tấn khí thải CO2 ra môi trường; tương ứng 3.9 Twh lượng điện năng tiêu thụ, mỗi năm.
Tính đến hết năm 06/2019, số trạm thu phát sóng của cả ngành Viễn thông Việt Nam ước đạt khoảng 261 nghìn trạm, tương ứng với số thuê bao di động phát triển được là 134,5 triệu thuê bao. So với dân số cả nước gần 100 triệu người, thì số liệu trên cho thấy ngành Viễn thông Việt Nam thời gian qua đã phát triển khá nhanh so với khu vực, vượt cả Indonesia và Philippines về độ thâm nhập mạng di động. Đây là thành tích đáng khích lệ của ngành Viễn thông Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển.
Trong số 261 nghìn trạm thì có 110 nghìn trạm 4G, và với mạng 4G ra mắt tại Việt Nam vào 11/2016, thì đến nay, trung bình mỗi năm nhà mạng Việt Nam xây mới được gần 40 nghìn trạm 4G trên phạm vi cả nước. Lý giải cho hoạt động xây trạm mới liên tục vì đó là hoạt động đặc thù của ngành: nhiều trạm phát sóng, nhiều thuê bao và nhiều doanh thu. Nhiều sóng còn được xem là lợi thế cạnh tranh cốt lõi chiến lược của nhà mạng truyền thống, vì vậy nhà mạng luôn cố gắng bảo vệ lợi thế này cho đến tận hôm nay, năm 2020.
Tuy nhiên, vào 11/2019, Bộ TTTT ban hành “chỉ thị số 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông” cho thấy ngành Viễn thông trong nước đã phát triển khá nóng và ít chú trọng vào công đoạn tối ưu hiệu suất hạ tầng mạng, điều này khiến chi phí vốn đầu tư hạ tầng Viễn thông (CAPEX) và chi phí vận hành mạng (OPEX) tăng rất lớn. Ngoài lãng phí ngân sách, việc không chia sẻ dùng chung hạ tầng mạng còn sinh ra lượng lớn khí thải CO2, rất ảnh hưởng đến môi trường sống người dân. Và quan trọng hơn, các biểu hiện bệnh lý liên quan đến phát xạ điện từ thường chỉ thấy triệu chứng nhiễm bệnh sau từ 5 - 10 năm.
Theo tính toán từ tổ chức nghiên cứu Kinh tế số litbi, nếu tỷ lệ chia sẻ hạ tầng Viễn thông dùng chung đạt 1.5, tức trung bình 1 trạm phát sóng có 1.5 nhà mạng cùng gắn thiết bị lên thì sẽ tiết kiệm được 16 nghìn tỷ đồng cho ngân sách khi phát triển mạng 4G tại Việt Nam và nếu đạt tỷ lệ dùng chung là 3.0 thì sẽ tiết kiệm đến 32 nghìn tỷ đồng. Không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách lớn, chính sách chia sẻ hạ tầng còn giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ với mạng 4G hàng năm khoảng 3,9 Twh, tương ứng 1,1 tấn CO2 thải ra ngoài môi trường. Nếu chia sẻ trên toàn mạng Viễn thông 2G, 3G, 4G thì con số giảm lên đến 9.2 Twh và 2.7 tấn CO2.
Bên cạnh 2 lợi ích rất lớn mang lại cho đất nước, chính sách chia sẻ dùng chung cũng giúp các nhà mạng có cơ hội quy hoạch lại chiến lược kinh doanh thích ứng Kinh tế số tốt hơn: chuyển ưu tiên từ cạnh tranh hạ tầng sang các dịch vụ sáng tạo đặc sắc và phụng sự khách hàng tốt nhất. Xét ở khía cạnh chiến lược, thì chính sách chia sẻ hạ tầng Viễn thông dùng chung mang lại lợi thế cạnh tranh dài hạn cho chính các nhà mạng và đặc biệt với các nhà mạng tuyến dưới. Vì chỉ chia sẻ dùng chung thì nhà mạng mới có đủ ngân sách để mở rộng vùng phủ sóng 5G trong 2 - 3 năm tới vì mạng 5G có đặc điểm sóng mạng khá đặc biệt, phải cần rất nhiều trạm thu phát đa chủng loại mới có thể đáp ứng được nhu cầu thương mại hóa đa ngành. Và quan trọng hơn, hạ tầng mạng viễn thông cần hợp nhất để thúc đẩy Kinh tế số IoT cạnh biên V2X và mạng lưới điện năng thế hệ mới trải rộng toàn quốc.
Chỉ thị 52/CT-BTTTT là cơ sở định hướng rất quan trọng giúp các nhà mạng cùng chung tay thúc đẩy chính sách khởi phát Kinh tế số nhanh hơn. Tuy nhiên, do phạm vi thay đổi lớn, các Bộ ngành liên quan cũng cần chung tay giúp chính sách đi vào thực tiễn một cách nhanh nhất, vì triển khai sớm ngày nào thì môi trường sống sẽ sớm xanh hơn ngày ấy, đất nước sẽ phát triển bền vững hùng cường hơn.
Một trong những giải pháp đã được áp dụng thành công trên thế giới là thành lập liên doanh hạ tầng viễn thông dùng chung giữa các nhà mạng, chia tỷ lệ sở hữu tương ứng theo số trạm hiện hữu của mỗi nhà mạng. Ngoài ra, để kết dính, liên danh cần có sự tham gia của một tổ chức trung gian đóng vai trò thúc đẩy, giám sát và điều phối các bên liên quan. Vai trò của tổ chức này là điểm mấu chốt để giải pháp thành công, giúp tiến trình chia sẻ hạ tầng viễn thông dùng chung đạt được hiệu quả cao nhất. Một trong hai mô hình được litbi đề xuất là Tổng lực 4+n: thành lập liên doanh 4 bên gồm Viettel, Vnpt, Mobifone và SCIC. Giai đoạn 1, liên doanh sẽ tập hợp và quản lý toàn bộ hạ tầng trạm viễn thông của các nhà mạng, và tiến hành tối ưu vận hành hiệu suất cao thích ứng Kinh tế số. Các giai đoạn tiếp theo, sẽ tiến hành mở rộng chia sẻ hạ tầng khác với các bên liên quan để tối ưu hóa hạ tầng mạng 5G và Kinh tế số IoT. Mô hình "Tổng lực 4+n" có đặc điểm là lợi ích chung được tối đa hóa và lợi ích cục bộ sẽ bị thu hẹp.
Hiện nhiều quốc gia lớn đều đã triển khai mô hình chia sẻ hạ tầng dùng chung và cũng khá thành công, điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều đã chia sẻ hạ tầng dùng chung trên 60% hạ tầng mạng Viễn thông. Đặc biệt, Trung Quốc đã đạt 100% chia sẻ hạ tầng Viễn thông dùng chung, và đây chính là một trong hai nhân tố giúp Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về hệ thống mạng 5G lớn nhất thế giới.
Với nhiều lợi ích như trên, vậy khi nào nhà mạng Việt Nam sẽ chia sẻ hạ tầng mạng Viễn thông dùng chung ?
Nội dung liên quan
- Báo cáo nghiên cứu "Kinh tế số - IoT: Viettel 2020" (36 trang)
- Báo cáo nghiên cứu "Kinh tế số - IoT: Vnpt 2020" (47 trang)